22 kinh nghiệm viết content kinh doanh trên Facebook hiệu quả

22 kinh nghiệm viết content kinh doanh trên Facebook hiệu quả
Rate this post

22 kinh nghiệm viết content kinh doanh trên Facebook hiệu quả

Trong suốt quãng thời gian hoạt động trong lĩnh vực Marketing của mình, mình thấy răng câu “Content is King” luôn luôn đúng, đặc biệt là đối với Facebook Marketing. Nhận ra được điều đó và thấy nhiều anh em trong ngành đang quan tâm tới khoản này nên mình quyết định sẽ viết 1 bài tổng hợp 22 kinh nghiệm viết content kinh doanh trên Facebook hiệu quả dựa trên tất cả vốn liếng mình có trong suốt 4 năm qua, cũng “cúng” nhiều tỉ đồng cho anh Mark.

Bài viết hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm thực tế của  cá nhân, không theo quy chuẩn nào cả, do vậy mọi người đọc để tham khảo, thấy ý nào hay, có thể áp dụng được thì áp dụng,  có bổ sung, góp ý chỗ nào thì mình cũng rất trân trọng đón nhận những kiến thức của mọi người để hoàn chỉnh cho chính bài viết này!

Nội dung bài này chủ yếu mình viết về quảng cáo Facebook, tuy nhiên nếu chịu khó suy nghĩ và thay đổi 1 chút thì bạn hoàn toàn vẫn có thể áp dụng vào các nền tảng quảng cáo khác như Google, Zalo, Email hoặc áp dụng trong việc xây dựng Landing page, làm catalogue…v.v

Những điều cần làm trước khi viết content kinh doanh trên Facebook

Để bài quảng cáo Facebook đạt hiệu quả cao nhất thì chúng ta không thể “đâm đầu” vào xây dựng nội dung ngay được, mà trước đó cần phải làm 1 số việc, với mình thì những việc này vô cùng quan trọng và cần thiết, nó sẽ quyết định việc về sau bạn có thể làm việc 1 cách nhàn hạ mà vẫn hiệu quả của dự án có cao hay không!

Xác định chân dung khách hàng mục tiêu:

Bước này, bạn làm càng kĩ càng tốt bởi cho dù bạn có triển khai bất kì chiến dịch nào đi chăng nữa thì cũng cần nắm thật chắc điều này. Nếu tới giờ mà vẫn chưa trả lời được câu hỏi “KHÁCH HÀNG CỦA BẠN LÀ AI?” thì bạn cần xem lại nhé. Một số thông tin cơ bản nhất mà bạn phải vẽ ra được về khách hàng là: thông tin nhân khẩu học (độ tuổi, giới tính), họ sống ở đâu? Họ có sở thích/hành vi gì? Họ thường quan tâm tới những chủ đề nào? Họ đang gặp phải vấn đề gì cần giải quyết (liên quan tới sản phẩm, dịch vụ của mình nhé)? Họ đang mong muốn điều gì? Họ đang lo sợ về điều gì? ..v.v.. Và còn rất nhiều vấn đề khác bạn cần nắm được về khách hàng của mình, nhưng đây mình chỉ liệt kê ra những ý lớn quan trọng nhất thôi! Đợt tới mình sẽ thu xếp để viết 1 bài cụ thể về việc xác định chân dung khách hàng để ae nắm chắc hơn nhé!

Làm sao để tìm hiểu được các thông tin đó? Có 1 số cách như sau: Hỏi những người là khách hàng tiềm năng, hỏi những người từng có kinh nghiệm làm ngành này rồi, Vào facebook của 1 số khách hàng nghiên cứu, sử dụng 1 số công cụ nghiên cứu từ khóa để suy luận ra (ví dụ: google keyword planner, keyword shitter, keyword.io…)

Khách hàng mục tiêu
Khách hàng mục tiêu

Xác định điểm mạnh điểm yếu điểm khác biệt của sản phẩm

Đây chính là bước hiểu chính bản thân mình, bạn hãy ngồi lại liệt kê thành các gạch đầu dòng thật ngắn gọn tất cả điểm mạnh / điểm yếu và điểm khác biệt của sản phẩm bên mình ra. Liệt kê càng nhiều càng tốt. Mục đích là để đánh mạnh vào những điểm mình khác biệt, điểm mình mạnh và hạn chế “sờ” vào những điểm mình yếu, kẻo vạch áo cho người xem lưng. Điểm khác biệt là điểm chỉ có sản phẩm của bạn có, còn điểm mạnh là điểm tốt mà có thể bên khác cũng có, do vậy bước này bạn hoàn toàn có thể tham khảo các bên khách đang có những gạch đầu dòng nào nhé ^^

Ví dụ: Sản phẩm 100% tinh chất thiên nhiên. Sản phẩm được viện Pasteur kiểm nghiệm. Sản phẩm được nhập khẩu nguyên chiếc từ Đức v.v…. Cứ chịu khó ngồi liệt kê ra hết nhé

Xác định điểm mạnh điểm yếu điểm khác biệt của dịch vụ bên bạn

Cái này tương tự bước trên, nhưng bạn cần hiểu dịch vụ là những gì bạn trao thêm giá trị cho khách hàng (ngoài giá trị sản phẩm).

Ví dụ nhé: Bạn bán laptop, điểm mạnh sản phẩm của bạn là: Hàng mới 100%; cấu hình chưa từng có tại Việt Nam, giá thành rẻ nhất thị trường….Còn điểm mạnh về dịch vụ của bạn là: Giao hàng miễn phí, Bảo hành trọn đời, giảm 10% cho lần mua sau…

Đại loại là như vậy, cũng chịu khó ngồi liệt kê hết ra, những việc này cực kì giá trị đấy

Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh

Mục đích của việc này là: Học cái hay từ đối thủ (học thôi chứ không phải copy paste nhé); nắm được cái đối thủ chưa làm tốt để mình tối ưu hơn, tìm xem thị trường còn kẽ hở nào ngon mà ít cạnh tranh hay không, điểm nào mà các đối thủ đang làm cực mạnh rồi, mình ít có cửa thành công .v.v Bước này làm càng kĩ thì chúng ta càng nắm được thị trường và tránh bị “lãng phí tiền” ở nhiều chỗ mà các đối thủ đã từng mất rồi

Xây dựng chương trình gia tăng giá trị cho khách hàng

Nên nhớ, bài toán marketing là bài toán trao đi giá trị cho khách hàng, do vậy, giá trị khách hàng nhận được càng lớn thì việc viết nội dung quảng cáo càng dễ thu được hiệu quả. Thực tế kinh nghiệm của mình cho thấy, nếu như doanh nghiệp của bạn xây dựng được chương trình cực kì hấp dẫn, mang lại nhiều giá trị lớn cho khách hàng thì việc viết quảng cáo, nhắm mục tiêu không cần quá cầu kì, chỉ cần làm sao cho khách hàng biết họ sẽ nhận được những điều ấy là đã đủ khiến khách hàng thích thú và tương tác rồi

Nếu không triển khai được việc này thì đương nhiên công việc viết quảng cáo của chúng ta để có thể thành công sẽ gặp thêm đôi chút khó khăn hơn, cần phải dành nhiều thời gian hơn

Quảng cáo Facebook – Viết content kinh doanh sao cho hiệu quả?

Sau khi đã làm 5 bước trên, chúng ta đã hoàn toàn có thể bắt tay vào viết 1 bài quảng cáo hoàn chỉnh cho sản phẩm/dịch vụ rồi. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nội dung vẫn cần có thêm các lưu ý khác để sao cho bài quảng cáo đạt được hiệu quả cao nhất và mình sẽ chia sẻ với mọi người 1 chút kinh nghiệm nhỏ của mình nhé

Nội dung thì không chỉ có text mà còn bao gồm ảnh và video nữa, ae chú ý nha

Hình ảnh quảng cáo

Đầu tiên là phải đảm bảo yếu tố NỔI BẬT bởi vì thứ để mà thu hút khách hàng dừng lại, đọc bài quảng cáo của bạn chính là hình ảnh, ngoài việc hình ảnh bắt mắt thì trên hình ảnh phải làm rõ ràng nhất vấn đề mong muốn truyền tải tới khách hàng. Nội dung trên ảnh phải ngắn gọn nhưng cần đủ để khách hàng hiểu. Như ví dụ dưới đây, hình ảnh rõ ràng, hiện thị rõ sản phẩm, và thông điệp muốn khách hàng đọc thì cực kì đơn giản “99K”

Tiếp đến, hình ảnh cần phải ĐÚNG KÍCH THƯỚC mà facebook quy định đối với mỗi loại hình quảng cáo, khi chuẩn kích thước thì hình ảnh mới được hiện thị rõ nét, không bị mờ, bị méo hoặc bị mất chữ. Thông thường khi setup quảng cáo thì Facebook sẽ cho ta khuyến nghị về kích thước ảnh phù hợp, mọi người chú ý ở phần tạo mẫu quảng cáo nhé.

Video quảng cáo

Đối với định dạng video thì những lưu ý với ảnh ở trên vẫn hoàn toàn đúng, nhưng với video thì cần chú ý thêm 1 điểm nhỏ đó là trong 3s đầu tiên bạn cần phải làm cho khách hàng biết video của bạn đang định nói tới điều gì, khách hàng sẽ không bao giờ kiên nhẫn chờ đợi chúng ta đâu 🙂

Ngôn từ phù hợp với đối tượng khách hàng

Ở những bước đầu tiên, các bạn đã xác định được chân dung khách hàng của mình rồi, khi viết quảng cáo hãy luôn luôn nhớ tới khách hàng đó nhé bởi vì mỗi đối tượng sẽ cần dùng văn phong, ngôn từ phù hợp với họ nhất. Ví dụ: Khi viết cho đối tượng tuổi teen cần trẻ trung, tươi tắn, hơi “tếu” 1 chút, viết cho đối tượng là các ceo, chủ doanh nghiệp thì ngôn từ phải rất chuẩn xác, thường phải có dẫn chứng đoàng hoàng, nhưng khi viết cho các cô chú ở nông thôn thì viết sao cho ngôn từ gần gũi, mộc mạc, dễ hiệu nhất có thể, đừng viết theo lối hàm ý, liên tưởng, vì như vậy không phù hợp….

Như 2 trường hợp dưới đây hướng tới 2 đối tượng hoàn toàn khác nhau, do vậy không cần đọc cả bài quảng cáo mà chỉ cần đọc dòng đầu tiên các bạn đã có cảm giác khác nhau rồi nhỉ

Tiêu đề thu hút

Tiêu đề cần hấp dẫn và thu hút khách hàng trong 3 dòng đầu tiên. Sau khi người dùng phải dừng lại bởi hình ảnh/video thì dòng đầu tiên họ đọc sẽ là tiêu đề, nếu “chẳng may” tiêu đề không hấp dẫn họ thì chắc chắn họ sẽ lại vội vã lướt qua như “chưa từng quen nhau” :)))

Trau chuốt từng con chữ

Trau chuốt từng câu từ, chuyển đổi nội dung thô thành những câu hấp dẫn, sử dụng những từ mạnh để đi sâu vào tâm trí khách hàng. Quy trình của phần này là như sau: Viết ra các ý thô –> Đọc lại –> Sửa các cầu từ sao cho hấp dẫn hơn –> Đọc lại… cứ làm như vậy cho tới khi cảm thấy hài lòng về bài viết của mình

Ví dụ, khi đang viết về thế mạnh của sản phẩm, bạn từng liệt kê được ý là: Sản phẩm bắt nguồn từ tự nhiên –> Thay đổi chút xem sao: 100% thành phần được bắt nguồn từ tự nhiên –> Thay đổi thêm chút nữa nào: 100% thành phần được tinh chế từ các thảo dược quý hiếm trong tự nhiên không đầu có

Đừng quên những lời kêu gọi hành động (CTA)

Hãy nhớ rằng: Bạn muốn khách hàng làm gì thì hãy yêu cầu họ làm điều đấy, muốn họ để lại SĐT thì hãy kêu họ để lại SĐT, muốn họ Inbox thì hãy bảo họ Inbox.. Có nhiều điểm chạm với khách hàng để bạn có thể kêu gọi hành động như: nội dung bài viết, ảnh, video, bình luận. Để CTA ở đâu là tùy bạn, đừng QUÊN chúng là được

Đừng viết những gì mình CÓ, hãy viết những gì khách hàng CẦN

Đừng mải mê nói về những thứ mà khách hàng của bạn không muốn nghe, họ sẽ biết mất ngay lập tức đó. Tưởng tượng nhé: Bạn mải mê viết về việc sản phẩm của bạn được nhập khẩu từ Đức, quy trình sản xuất nghiêm ngặt, chuẩn mực ra sao, nhưng cái khách hàng họ chỉ quan tâm rằng sản phẩm của bạn có độ bền bao lâu, chống chịu được nước không. Ví dụ như vậy, thì rõ ràng những gì bạn viết không đủ để thuyết phục khách hàng hành động rồi

Còn để biết được khách hàng của mình muốn biết, quan tâm cái gì thì hãy xem lại những bước bạn đã làm trước khi viết bài quảng cáo nhé (đã thấy tác dụng của những bước ban đầu chưa?)

Tập trung giá trị hướng tới khách hàng, vì khách hàng

Xin được nhắc lại là bài toàn Marketing là bài toán trao đi giá trị tới khách hàng, giá trị khách hàng nhận được càng lớn thì họ càng hài lòng. Do vậy, dù mục tiêu của chúng ta đương nhiên là bán sản phẩm nhưng phải viết thế nào để như việc chúng ta đang vì khách hàng nhiều hơn, còn viết thế nào là do bạn sáng tạo.

Đây mình ví dụ nhỏ, bạn bán thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị viêm xoang, bạn có thể viết 1 câu rằng: Nhằm giúp mọi người có kiến thức đúng đắn và phương pháp chuẩn mực để tiêu diệt tận gốc bệnh viêm xoang, chúng tôi sẽ tư vấn miễn phí cho 200 bạn đăng kí đầu tiên

Tại đây, giá trị trao cho khách hàng là tư vấn miễn phí, hướng tới khách hàng là ở chỗ “giúp mọi người có kiến thức đúng đắn và phương pháp chuẩn mực”, nghe rất là “vì” khách hàng

Cá nhân hóa nội dung

Nguyên tắc là làm sao để khách hàng đọc bài viết của mình mà như thể bài đó CHỈ dành cho họ thôi vậy. Với quảng cáo Facebook sẽ có 1 số cách cá nhân hóa ở các chỗ sau: Nội dung trong tin nhắn, Nhắm mục tiêu, Nội dung bài quảng cáo…

Cụ thể hơn:

  • Nếu bạn chạy chiến dịch Tin nhắn, ở phần cài đặt tin nhắn chào mừng bạn có thể cài đặt được TÊN của người tương tác với quảng cáo. Ví dụ khi mình tương tác thì tin nhắn chào mừng của page sẽ là: Chào Võ Bá Đức, chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?
  • Với nhắm mục tiêu thì sao? Facebook cho chúng ta 1 số cách nhắm mục tiêu mà từ đó hoàn toàn có thể vận dụng được vào việc cá nhân hóa. Ví dụ: Nhắm mục tiêu những người xài Iphone 7 –> Quảng cáo: Chiếc Iphone 7 của bạn đang cần 1 chiếc ốp đẹp hơn. Nhắm mục tiêu tới những người sắp có sinh nhật –> Quảng cáo: Nhân dịp sinh nhật bạn chúng tôi tặng voucher giảm giá 20%….
  • Nội dung quảng cáo: Thực ra phần này để mà cá nhân hóa thì bạn cứ hiểu khách hàng, viết đúng những gì khách hàng cần, đúng vấn đề khách hàng đang gặp phải thì bạn đã cho khách hàng cảm giác về việc bài quảng cáo đó là chỉ dành cho họ rồi.  Ví dụ, quảng cáo của bạn có câu sau: “Tôi từng cũng như bạn bây giờ, cũng học tiếng anh suốt quãng thời gian dài mà chẳng thế giao tiếp nổi” . Đương nhiên có thể quảng cáo này vẫn sẽ phân phối tới những người không có nhu cầu học tiếng anh vì nỗi khổ này, nhưng điều đó không quan trọng, vì đó không phải những khách hàng tiềm năng của bạn, hãy bỏ qua. Hãy thử tưởng tượng ai đó đang gặp đúng tình trạng đó, mà đọc bài viết đó thì sao nhỉ? Rất ok đúng không?

Kích thích chia sẻ bài viết

Reach tự nhiên ngày 1 suy giảm, muốn kéo chỉ số này lên thì bài viết cần phải được chia sẻ nhiều, hãy tạo động lực để khách hàng chia sẻ, mình thấy nhiều bên đang làm bằng cách tặng thêm gì đó khi chia sẻ bài viết chả hạn

Gây dựng lòng tin cho khách hàng

Thực ra phần này thì nội dung quảng cáo chỉ thể hiện được 1 phần nào đó thôi, chứ không thể nào thể hiện được hết được. Để gây dựng lòng tin ngay trong nội dung quảng cáo thì bạn có thể: Thêm các số liệu chứng thực, thêm các thông tin từ những người nổi tiếng đã sử dụng sản phẩm, hoặc đơn giản là ghi tất cả các địa chỉ các chi nhánh của bạn ra (chứng tỏ bên bạn lớn mới có nhiều chi nhánh thế)

Nỗi sợ – Lòng tham – Tò mò

Nỗi sợ và lòng tham là 1 trong những tử huyệt cảm xúc mà chúng ta có thể khoét sâu vào  khách hàng, hãy đừng quên 3 điều này khi viết quảng cáo nhé. Gây sự tò mò, đánh vào nỗi sợ và lòng tham

Một số công thức kinh điển trong viết content kinh doanh quảng cáo

Có một số công thức viết quảng cáo rất được ưa chuộng, tại bài viết này mình chỉ đưa ra để mọi người chủ động tìm hiểu chứ không thể đi chi tiết được vào từng cái, tránh lan man

    • AIDA: Attention (sự chú ý) – Interest (thích thú) – Desise (khao khát) – Action (Hành động)
    • PAS:  Problem (vấn đề) – Aggravate (triển khai, khuấy động) –  Solve (giải pháp)
    • 3S: Star (ngôi sao) – Story (câu chuyện) – Solution (giải pháp)
    • 4w: What I’ve got for you – “Tôi có gì cho bạn?” – What it’s going to do for you – “Sản phẩm hoặc dịch vụ của tôi làm được gì cho bạn?” – Who am I? – “Tôi là ai mà bạn phải tin tôi?” – What you need to do next – “Bạn cần làm gì tiếp theo?”

Không nên quá  câu nệ theo bất cứ quy chuẩn nào

Thực ra mọi thứ đều có lúc đúng lúc không, đúng với sản phẩm này, nhưng không đúng với sản phẩm khác, đúng với người này nhưng không đúng với người khác. Do vậy, đừng gò bò mình phải theo những gì người khác chia sẻ, người khác làm. Hãy cứ thỏa mái sáng tạo, đổi mới, miễn sao thu được nhiều hiệu quả nhất thì thôi

Đọc lại bài mình vừa viết

Bài viết lần đầu tiên thường chưa được mượt mà, vì thế hãy đọc lại bài quảng cáo của bạn nhiều lần, mỗi lần đọc lại sẽ chỉnh sửa lại 1 chút, càng trau chuốt thì tỉ lệ thành công với bài viết ấy của bạn càng cao. Đừng bao giờ làm kiểu viết “1 phát ăn ngay” nhé

Seeding (thích, chia sẻ, bình luận)

Hiệu ứng đám đông luôn đúng ở mọi trường hợp, đây là hiệu ứng bình thường của con người, họ thấy đông người làm thì họ sẽ tin và làm theo. Để seeding được hiệu quả cần chú ý làm sao để trong câu seeding nêu bật được thế mạnh, giải pháp của bên mình, hoặc nêu được vấn đề khách hàng đang gặp phải để tạo được sự đồng cảm nơi khách hàng. Ví dụ: Được miễn phí ship à shop? cho mình đặt 1 hộp với ạ –> Nhấn mạnh lại việc Freeship của bên mình. 09683323xx trung tâm tư vấn cho mình nhé, mình chỉ đọc hiểu được mà không thể nào giao tiếp với người nước ngoài được ạ –> Đánh lại vào vấn đề của khách hàng, người khác đọc mà đúng vấn đề họ cũng đang gặp phải thì khả năng họ tương tác sẽ cao hơn

Các bạn có thể tham khảo Tool Seeding ở đây

Trên đây là 22 kinh nghiệm viết content kinh doanh trên Facebook hiệu quả

Bình luận
Author: Võ Bá ĐứcVới hơn 5 năm kinh nghiệm làm kinh doanh và phát triển các công cụ trên Social, chúng tôi luôn nổ lực update để giúp người làm kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động hiệu quả hơn…

ĐẶT MUA