Công thức đặt tiêu đề dễ dùng cho dân content
Các cụ thường nói: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Tiêu đề cũng giống như miếng trầu, nó là khởi đầu của 1 câu chuyện bất kì. Nó quyết định liệu độc giả sẽ dừng lại đọc bài viết của bạn hay lướt qua một cách vô tình. Một nội dung dù hay đến đâu mà không chuẩn bị tiêu đề hấp dẫn thì có nghĩa là bạn đã thất bại ngay từ “vòng gửi xe”.
Hôm nay, xin chia sẻ đến bạn một vài công thức đặt tiêu đề mà bản thân đã đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm của những anh chị đầu ngành, những cuốn sách, tài liệu tham khảo trong cũng như ngoài nước. Với công thức này, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc đặt tiêu đề cho bất kì bài viết nào. Thậm chí kể cả bạn không phải là học sinh giỏi văn hồi còn đi học thì vẫn có thể “tung hoành” khi giắt túi những công thức CƠ BẢN và DỄ NHỚ này!
Nội dung chính
Tư duy khi đặt tiêu đề
Đã bao giờ bạn lướt facebook và nhìn thấy 1 tiêu đề nghe rất kêu chạy ngang nhà mình?
Chắc hẳn là trên 1 lần rồi phải không? Và hành động của chúng ta ngay sau đó là gì nhỉ? Ngay lập tức, với bản tính tò mò, bạn click chuột vào bài viết để xem nó có gì “che che giấu giấu” bên trong. Thế nhưng, ĐỜI- KHÔNG- NHƯ- LÀ- MƠ :(((.
Click vào, bạn bị rơi vào tâm trạng “hụt hẫng, chơi vơi, mất niềm tin” vì tiêu đề 1 đàng còn nội dung 1 nẻo.
Đây là thực trạng vô cùng phổ biến trên internet hiện nay. Khi mà các kênh tin tức ra đời ngày càng nhiều, cạnh tranh trên thị trường này ngày càng “khó nhằn” thì chuyện giật tít để câu view, câu like đã trở thành 1 cái NGHỀ. Và hệ lụy nó kéo theo là gì?
Người viết cảm thấy mình như đang đi lừa cả THIÊN HẠ. Người đọc cảm giác như mình là đứa ở trên núi xuống bị dân lừa đảo nó dụ dỗ. Nội dung kém chất lượng xuất hiện đầy rẫy trên internet. Mọi người không còn niềm tin vào những tiêu đề nghe rất “Sốt cam cà rốt” nữa. Thay vào đó là suy nghĩ đại loại như: “Quái, cái trang đó chuyên đời đi giật tít, nhấp vô không có cái qq gì cả”. OMG!
Như thế chẳng phải chúng ta đang đi lừa lẫn nhau mà sống sao? Đừng như vậy, tuyệt đối tránh tình trạng đặt tiêu đề chỉ với mục đích giật tít còn nội dung thì rỗng tuếch! Đặc biệt là với tư cách của một người đi chia sẻ nội dung hữu ích và giá trị. Hãy nói thật và làm thật, nội dung bên trong phải phán ánh đúng những điều đã hứa hẹn trong tiêu đề. Đây là thông điệp và cũng là tư duy mà tác giả muốn bạn ghi nhớ.
Đặt theo kiểu dạng câu hỏi
Mô hình này là 5W-1H với những key câu hỏi sau: What, Where, When, Why, Who, How.
Diễn giải ra sẽ là:
– What: Cái gì, nào, có gì, như thế nào..
– Where: Ở đâu, địa chỉ nào, công ty nào,
– When: Khi nào, Bao giờ,
– Why: Tại sao, Vì sao, Lý do, Nguyên nhân,…
– Who: Ai, Người nào, Nhân vật nào, Ông lớn nào, Bà lớn nào, Hotgirl nào, Đại gia nào…
– How gồm 2 kiểu
How to: Làm thế nào, Làm sao,
How much: Bao nhiêu, Mấy,…
Điểm mạnh của dạng tiêu đề này là dễ áp dụng, phần nào gây được sự tò mò về câu trả lời. Điểm yếu của nó là đã được dùng khá nhiều nên đôi khi sẽ gây nhàm chán. Để khắc phục vấn đề ấy, bạn hãy bỏ vào đó những từ ngữ mạnh, gây ấn tượng hoặc độc lạ.
Chẳng hạn bạn có thể đặt như sau:
Ở đâu bán gối ôm cho bà bầu “đáng đồng tiền bát gạo” nhất hệ mặt trời?
Bây giờ, sẽ đi sâu phân tích cho bạn cái hay của 2 tiêu đề trên. Như bạn thấy đấy, trong tiêu đề a, mình dùng câu hỏi dạng Where (ở đâu). Nhưng nếu dùng đơn thuần nó sẽ như sau: Ở đâu bán gối bà bầu uy tín chất lượng.
Bạn đánh giá ra sao về tiêu đề này? Rõ ràng 2 từ uy tín, chất lượng đã được sử dụng “đầy” trên mạng. Thêm 1 điều nữa là, chẳng có thánh nào lý giải được cái sự uy tín và chất lượng ở đây là gì cả. Túm cái chân lại là nó bị thiếu tính cụ thể, không làm cho người đọc hình dung được 1 kết quả hay 1 lời hứa rõ ràng. Nói trắng ra là hứa cho có, hứa cho thuận lòng dân.
Chính vì vậy, khi đặt tiêu đề bạn cần cho khách hàng thấy được bằng những con số, sự so sánh, những tính từ, trạng từ hoặc động từ thật dễ hình dung. Chẳng hạn như ở tiêu đề trên, Nguyệt vận dụng câu tục ngữ “đáng đồng tiền bát gạo”. Nghe qua câu này, chắc hẳn dù là người ngây thơ nhất quả đất thì bạn cũng sẽ hiểu và tưởng tượng ra phải không nào?
Dùng biện pháp so sánh ngang bằng- hơn kém, nêu ra sự giống khác nhau
Tâm lý con người nói chung thường hay so sánh. Ví dụ lúc còn bé thì hay so sánh mẹ thương mình hơn hay thường đứa em, ông anh, bà chị hơn. Lớn lên thì so sánh xem mình cũng làm ngần ấy việc, nó cũng làm ngần ấy việc mà lương nó sao lại cao hơn mình. Làm việc nhóm thì so đo đứa này sao lại làm ít hơn phần của tao. Lấy chồng rồi thì lại tị nạnh sao em cũng đi làm, anh cũng đi làm mà em lại phải mần việc nhà nhiều hơn. Đi chợ thì bắt đầu so sánh xem bà nào bán hàng rẻ hơn, sạch hơn, ngon hơn rồi chọn mua. Tâm lý này cũng diễn ra trong quá trình tiếp nhận thông tin.
Đặc biệt là chúng ta thường thích đi “hóng” chuyện của nhà người ta theo kiểu “Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”. Vậy nên, ứng dụng công thức so sánh vào tiêu đề là một biện pháp chơi chữ và đánh đòn tâm lý. Sau đây sẽ lấy ví dụ để bạn dễ hình dung nhé!
Hà Hồ và Hà Tăng- ai “dày dặn tình trường” hơn ai?
Phong cách ăn mặc ngày nay và một ngàn chín trăm hồi đó có gì khác nhau?
Ở câu thứ nhất, dùng so sánh hơn kém: ai hơn ai, ai thua ai, ai kém ai, chênh lệch ra sao… Ở câu thứ hai, dùng dạng so sánh để tìm ra sự khác biệt để gợi sự tò mò cho người đọc. Nếu bạn vẫn chưa tin, hãy thử áp dụng công thức này để kiểm chứng độ thu hút của nó nhé!
Công thức “hoài nghi, bí mật, sự thật”
Đã bao giờ bạn nghi ngờ người yêu, vợ hay chồng làm gì đó mờ ám sau lưng mình? Trả lời “không” là nói dối nhé. .Vì đại đa số chúng ta đều có tâm trạng đa nghi ẩn sâu bên trong. Những nhà báo kì cựu và các tay chuyên hành nghề “giật tít dạo” đã nắm được thóp tâm lý này và ứng dụng rất hiệu quả vào việc câu kéo độc giả. Vậy tại sao bạn không dùng nó vào việc thu hút khách hàng tìm đọc những nội dung hữu ích?
Bạn thấy đấy, ai trong chúng ta cũng luôn có cái tôi. Chính vì vậy mà sẽ ức chế biết bao nếu bị rơi vào cảm giác như cả thế giới này đang che giấu mình điều gì đó. Vậy thì cái cụm từ “ít ai biết đến” là 1 bảo chứng cho thành công của tiêu đề dạng này.
Dùng con số để nhấn mạnh
Đây thực ra là 1 tip để bạn ứng dụng trong bất kì dạng tiêu đề nào. Ví dụ ở công thức tiêu đề dạng câu hỏi bạn cũng cần thêm con số. Mục đích là giúp cho mọi lời hứa trở nên cụ thể hơn. Bởi vì cái gì càng mông lung thì càng vô chừng, càng thiếu sự tin cậy, càng thiếu tính cam kết. Ví dụ như, bạn và 1 đứa bạn lâu ngày tình cờ gặp ở quán cà phê. Cuộc hội thoại sẽ diễn ra như sau:
– A: Dạo này công việc thế nào rồi?
– B: Cũng ổn, còn A thì sao?
– A: Mới chuyển qua bên công ty xuất nhập khẩu làm
…
– B: Bữa nào rảnh cà phê hen
– A: Ok B
Và kết quả là: KHÔNG HỀ CÓ 1 BUỔI CÀ PHÊ NÀO GIỮA HAI BẠN A VÀ B NÀY. Nguyên nhân cốt lõi là vì cái lời-mời trên chỉ mang tính chất xã giao. Mà kể cả không phải là xã giao đi chăng nữa thì kiểu hẹn “bữa nào” cũng sẽ không bao giờ thành sự thật. Bởi lẽ nó rất mông lung, thiếu tính cụ thể, không có cam kết. Đây cũng là một case study điển hình mà Nguyệt muốn đưa ra để bạn dễ hình dung hơn về tip đưa con số vào tiêu đề.
Những con số nhìn đơn giản nhưng có 1 sức mạnh vô cùng “vi diệu”. Nó giúp khách hàng của bạn dễ liên tưởng đến kết quả mà họ nhận được. Giống như ở bài viết này Nguyệt cũng đã vận dụng con số vào tiêu đề của mình. Phải nhờ vậy thì bạn mới chịu click vào xem phải không nào? Hehe.
À, thêm 1 lưu ý nữa là số chẵn thường không gây được chú ý bằng số lẻ nhé! Ví dụ:
3 bí quyết giảm cân an toàn
7 Ngày học làm SEO
5 chương kiến thức SEO dành cho người mới bắt đầu tập tành làm SEO
Sửa lại những câu nói hot trend
Công thức này Nguyệt thường gọi nó là “tát nước theo mưa”. Nhân dịp 1 trend bài hát hay bộ phim nào đó đang sốt xình xịch, chúng ta hãy tận dụng nó vào tiêu đề của mình.
Chẳng hạn như:
Bị bạn bè chê nói tiếng Anh dở, 1 năm sau tôi đã khẳng định mình “không phải dạng vừa đâu”’
Mua ngay căn hộ với giá chỉ từ 200 triệu để không phải chịu cảnh “sống chung với mẹ chồng” nữa!
À, chỉ có 1 lưu ý đó là bạn phải chọn ra những câu thực sự hot và đắt. Quan trọng hơn hết là nó phải đúng thời điểm và phù hợp với sản phẩm mà mình muốn bán cũng như nội dung muốn chia sẻ nhé!
Sử dụng thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca
Nói đến tục ngữ, ca dao, thành ngữ thì hầu như ai cũng thuộc nằm lòng trên dưới chục câu. Thế nhưng, chúng ta hiếm khi nào vận dụng vào việc đặt tiêu đề. Về bản chất, dạng câu nói này có đặc điểm là có vần điệu, ngắn gọn, dễ nhớ và gây ấn tượng. Vậy nên nếu khéo léo bạn có thể áp dụng vào việc đặt tiêu đề để gợi sự liên tưởng và khiến khách hàng phải dừng lại đọc.
Sau đây là 2 tiêu đề demo:
a. Đừng so đo giá cả khi mua hàng vì “tiền nào của nấy”
b. Hướng dẫn 7 bước chọn mặt hàng kinh doanh online “vốn ít lời nhiều”
Tuổi trẻ là đầu báo ưa chuộng sử dụng kiểu tiêu đề thu hút như thế này
Bạn có thể lưu lại các câu tục ngữ để kết hợp vào đặt tiêu đề khi cần.
Trích dẫn một câu nói nổi tiếng
Đây là dạng tiêu đề được dùng phổ biến nhất trên báo VnExpress. Thông thường nó sẽ hiệu quả cho những nội dung theo hướng kể chuyện hoặc tin tức. Trong quảng cáo trên facebook hoặc Google, bạn có thể sử dụng khi kể câu chuyện của khách hàng từ ngôi thứ nhất “tôi”. Yêu cầu duy nhất cho dạng tiêu đề này là bạn phải chọn ra câu nói thực sự đắt, chất nhất trong toàn bài để có đủ sức gợi sự tò mò của người đọc.
Bạn có thể đưa câu nói của khách hàng để đặt tiêu đề cho bài viết quảng cáo
Sau đây là một vài ví dụ:
Trấn Thành : “Tôi không phải là người thứ 3”
Tony Hsieh – nhà sáng lập kiêm CEO Zappos: “Cứ theo đuổi tầm nhìn, đừng theo tiền. Vì cuối cùng, tiền cũng sẽ theo bạn thôi”.
Trong bài viết này, mình đã điểm qua vài công thức đặt tiêu đề dễ áp dụng dành cho tất cả mọi đối tượng. Cho dù bạn là ai thì cũng có thể ứng dụng nó vào bài viết quảng cáo bán hàng, bài viết seo từ khóa, bài PR hay thậm chí là bài sales page bán hàng nhằm tăng sức hút và gây sự chú ý cho độc giả.
_ST_