8 cách đẩy hàng tồn kho hiệu quả cho mọi doanh nghiệp
Hàng tồn kho luôn là một vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu. Tồn kho nhiều khiến kho hàng bị chiếm diện tích, thậm chí quá tải, làm cho nguồn vốn bị hao hụt và gây khó khăn trong việc tái đầu tư. Vì thế, làm thế nào để kiểm soát tốt hàng tồn kho để không bị nhầm lẫn, thất thoát là mục tiêu tất yếu mà doanh nghiệp cần cố gắng đạt được. Dưới đây là 8 cách đẩy hàng tồn kho mà các doanh nghiệp có thể tham khảo để quản lý kho hàng hiệu quả hơn đối với lĩnh vực kinh doanh của mình.
Nội dung chính
Kiểm kho định kì
Để kiểm soát được lượng hàng tồn kho thì đầu tiên phải nắm được đầu vào và đầu ra của sản phẩm thật chi tiết. Điều này giúp doanh nghiệp nắm bắt được mặt hàng nào đang bán chạy, mặt hàng nào đang tồn nhiều để có kế hoạch xử lý hiệu quả. Từ đó tránh được tình trạng tồn kho không mong muốn.
Việc kiểm kho nên được thực hiện định kỳ nhằm mục đích: xác nhận số lượng hàng, chất lượng hàng hóa, bao gói có hư hại, suy giảm hay không. Thường thì nên có định mức cho từng sản phẩm để dễ dàng kiểm soát. Chẳng hạn như, định mức cho sản phẩm áo thun size S trong kho mặc định là 10 sản phẩm. Sau khi kiểm kho, chỉ còn 3 áo thì nhập thêm 7 chiếc cho đủ định mức.
Với việc đặt ra định mức khiến quá trình kiểm kê dễ dàng nhẩm tính ngay một sản phẩm đã bán được bao nhiêu và còn tồn bao nhiêu
Giảm giá sản phẩm tồn kho
Nếu muốn “giải phóng” hàng tồn kho thì cách dễ dàng nhất là giảm giá. Hãy bắt đầu từ những cái nhỏ, rồi tiếp tục giảm giá xuống thấp hơn và nhân rộng sản phẩm. Khách hàng thường có xu hướng so sánh giá cả và đối chiếu lợi ích trước khi ra quyết định mua hàng, vì thế khi giảm giá doanh nghiệp nên cân nhắc một số mức giá hợp lý. Đừng nghĩ rằng giá thật rẻ thì sẽ có nhiều người mua, vì nó còn phụ thuộc vào cách quảng bá sản phẩm.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang áp dụng chiến lược Flash Sale khi muốn đẩy hàng tồn. Điều thu hút, khiến họ phải đổ xô đi mua là vì sự khan hiếm của sản phẩm. Thường thì sẽ để mức giá gốc và giảm tới 50%, 70% so với ban đầu, kèm theo đó là dòng chữ “số lượng có hạn”, “chỉ còn 1 ngày”, “chỉ còn 23h10 phút”,… Khi bắt gặp một chương trình giảm giá hấp dẫn với thời gian áp dụng rất ngắn, người tiêu dùng thường có xu hướng giới thiệu cho người thân, bạn bè để không bỏ lỡ. Đặc biệt với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội thì chỉ với vài cú nhấp chuột, các mối quan hệ chồng chéo, tốc độ lan tỏa sẽ nhân lên theo cấp số nhân. Đôi khi chiến dịch chưa chính thức khởi động đã thu hút số lượng người “cắm cọc” trên website, fanpage đạt số lượng khủng. Lazada chính là website áp dụng thường xuyên chiến dịch này để kích cầu tiêu dùng. “Điện thoại Samsung Galaxy Note 8 đã bán hết 2000 chiếc chỉ trong vòng 3 tiếng trên Lazada.vn”, câu nói này sẽ khiến nhiều người cảm thấy sốc vì độ “hot” của sản phẩm, nhưng thực ra nó là kết quả tất yếu của chiến lược Flash sale mà thôi.
Chiến lược giảm giá kích cầu tiêu dùng rất hiệu quả nếu doanh nghiệp biết cách nắm bắt xu hướng sẽ tạo nên sự bùng nổ doanh số và trở thành giải pháp hữu hiệu giải quyết vấn đề tồn kho.
Làm mới hoặc tái tiếp thị
Khi hàng hóa tồn kho, không bán được, điều đó không có nghĩa là lỗi ở sản phẩm. Trong nhiều trường hợp vấn đề nằm ở cách tiếp thị hàng hóa chưa đúng cách. Vì thế, hãy thử làm mới các chiến dịch quảng cáo, tiếp thị đối với lượng hàng tồn này.
Hãy trưng bày lại cửa hàng, thay đổi sản phẩm trên kệ hàng, di chuyển mọi thứ, trang trí lại biển hiệu chỉ dẫn,… Điều này cũng giống như bạn đang khoác cho hàng hóa một diện mạo mới, và khiến khách hàng tập trung sự chú ý hơn. Ngay cả trên website cũng nên chụp ảnh sản phẩm kèm theo phần mô tả chi tiết lợi ích sản phẩm mang lại.
Đừng quên việc làm mới và tiếp thị lại có thể mất rất nhiều tiền, do vậy hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi thay đổi. Nếu sản phẩm thực sự tốt và bạn nghi ngờ lý do khiến chúng tồn kho bởi cách tiếp thị thì đã đến lúc thay đổi mọi thứ rồi đấy! Thậm chí, khi hàng tồn kho nhiều, nhân viên bán hàng sẽ mặc nhiên cho rằng khách hàng không thích nó và vô tình bỏ quên sản phẩm đó. Hãy động viên nhân viên và chỉ cho họ thấy giá trị mà tất cả các sản phẩm mang lại.
Tặng quà kèm theo
Khi đi mua sắm mà còn được tặng quà kèm theo là một điều chắc hẳn ai cũng cảm thấy thú vị. Với những sản phẩm tồn kho bạn hoàn toàn có thể tận dụng để tặng kèm, và quan trọng là điều chỉnh giá phù hợp để không bị lỗ vốn. Ví dụ, tặng một áo thun giữ nhiệt khi khách mua hàng với hóa đơn trên 1 triệu, tặng kèm đồ chơi trẻ em khi mua sữa hộp hoặc sữa bột; tặng khăn tắm khi mua dầu gội hoặc sữa tắm. Đây là một cách hiệu quả vừa giúp thanh lý hàng tồn, vừa khiến khách hàng cảm thấy “hời” và thỏa mãn khi mua sắm tại cửa hàng.
Mặt khác, bạn có thể lợi dụng những mặt hàng đang bán chạy để giải phóng hàng tồn. Chẳng hạn như, giảm 20% cho một chiếc áo khoác đang bán chạy nếu khách hàng mua kèm một chiếc khăn quàng cổ tồn kho. Trên thực tế, các siêu thị cũng thường sử dụng chiêu thức này khi đóng gói các giỏ quà Tết, trong giỏ quà thường có một vài mặt hàng khó tiêu thụ nếu bán lẻ. Ngoài ra, còn có thể tặng hàng tồn kho vào những dịp lễ như 8/3, 20/10, sinh nhật khách hàng,… đây cũng là cách hiệu quả để giữ chân họ. Cho dù sản phẩm đang bán có giá cao hơn so với đối thủ nhưng khách hàng vẫn chấp nhận mua hàng của bạn vì cảm thấy mình được quan tâm và đối xử đặc biệt. Đây có thể xem là dùng chi phí sản phẩm thay thế chi phí marketing.
Bán hàng theo combo
Thay vì bán lẻ từng sản phẩm thì bạn có thể gộp chúng cùng hàng tồn kho thành combo để dễ bán hơn. Đây là cách để chào bán hai hay nhiều sản phẩm trong cùng một gói dịch vụ. Mức giá của combo này sẽ thấp hơn khi khách hàng mua riêng lẻ từng sản phẩm, khiến khách hàng dễ chấp nhận để mua thêm thì họ thấy lời nhiều. Mặt khác, doanh nghiệp lại có cơ hội “đẩy” hàng tồn bằng cách bán kèm chúng với các sản phẩm cùng thương hiệu.
Phương thức bán hàng theo combo này đã được rất nhiều doanh nghiệp áp dụng thành công. Một ví dụ điển hình là Microsoft, họ bán trọn gói sản phẩm mới mức giá rẻ hơn khi mua từng phần mềm. Hay các nhà hàng cũng thường có các gói combo đồ ăn giá rẻ hơn là gọi riêng từng món,… Bán hàng theo combo là phương pháp định giá phổ biến thứ hai chỉ sau phương pháp giảm giá, chiết khấu của các nhà bán lẻ.
Ký gửi hàng hóa
Phương pháp thường rất hiệu quả với mặt hàng quần áo, mỹ phẩm,… khi ký gửi tại các cửa hàng có doanh thu tốt, vị trí đẹp sẽ giúp đẩy nhanh số lượng hàng cần tiêu thụ. Đó cũng là cơ hội để tạo dựng mối quan hệ với chủ cửa hàng cho những lần hợp tác sau này. Và tất yếu khi ký gửi hàng hóa bạn sẽ phải chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn khi phải chia sẻ lợi ích với chủ cửa hàng nhận ký gửi.
Tạo sự kiện
Để giảm bớt hàng tồn kho và thu hồi vốn doanh nghiệp buộc phải chấp nhận chịu thiệt hại để bán được hàng. Và một phương pháp có thể vừa thanh lý hàng tồn, vừa quảng bá tên tuổi đó là tạo sự kiện chú ý, thu hút khách hàng. Sự kiện có thể là tặng quà tri ân, ưu đãi khách hàng thân thiết, tặng mã giảm giá coupon, voucher,… Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cũng tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại tại khu dân cư, khu nông thôn,… các sự kiện này còn giúp doanh nghiệp thu thập thêm một lượng khách hàng tiềm năng mới cho cửa hàng.
Quyên góp
Việc quyên góp hàng tồn kho cho một tổ chức từ thiện nếu bạn không thể bán nó cũng là một ý tưởng hay. Điều này vừa giúp người quản lý kho hàng đẩy được một lượng hàng đang tồn động quá lâu, vừa tạo danh tiếng tốt cho doanh nghiệp bởi khách hàng thường có thiện cảm tốt với các doanh nghiệp làm việc hướng tới cộng đồng. Chẳng hạn như, một sự kiện quyên góp cho người nghèo, PR chương trình trên các phương tiện và kêu gọi nhiều người chung tay ủng hộ sẽ khiến nhiều người biết tới với suy nghĩ tích cực.
Nhớ like và comment để ủng hộ mình có động lực viết thêm nhiều bài chất nhé. Bạn có thể tham khảo rất nhiều tại liệu hay, hãy kết nối với Sniper Software